Tâm lý học của sự thay đổi bản thân

Nguồn: https://spiderum.com/bai-dang/Tam-ly-hoc-cua-su-thay-doi-ban-than-s4l

1. Việc khó nhất trên đời

Những việc trên đời, nếu nói tóm, thì có 3 cấp độ khó như sau:

  1. Dễ nhất, là những việc không đòi hỏi tư duy gì nhiều, như là trông giữ xe. Bạn và tôi chỉ cần vác xác đến và làm thôi, đừng thắc mắc gì cả.
  2. Khó, là những việc như phóng phi thuyền lên mặt trăng vậy: phải huy động hàng tỷ đô-la, hàng trăm nghìn con người cùng chung sức để hướng đến một mục tiêu vĩ đại.
  3. Việc khó nhất trên đời, là sống một cuộc đời thật ý nghĩa.

Phóng phi thuyền lên mặt trăng, tưởng chừng rất khó, nhưng nếu bạn có đủ công thức, vật chất, con người (có thể thuê nếu không muốn đào tạo nguồn nhân lực),… thì bất cứ ai cũng có thể phóng được phi thuyền lên mặt trăng. Và hiện nay, có một công ty tư nhân Israel chỉ tốn 100 triệu đô (so với 175 tỷ đô mà Mỹ đầu tư cho chương trình Apolo vào thập niên 60) để phóng tàu vũ trụ (Beresheet) lên mặt trăng, dù kết quả là họ đã thất bại ở khâu cuối cùng – đáp lên bề mặt, nhưng điều này cho thấy, giấc mơ từng là viển vông, từng một thời là cuộc đua của các siêu cường, nay đã ngày càng trở nên khả thi dù chỉ với nguồn lực ít ỏi.

Phóng phi thuyền lên mặt trăng, tưởng khó, nhưng hóa ra lại dễ: đây chỉ là vấn đề máy móc, công thức, khách quan, sao chép được.

Sống một cuộc sống thật ý nghĩa, sống sao cho đạt hết sự mong muốn của ta, đều là những công cuộc đã được biết bao nhiêu bộ óc thông tuệ nhất trong lịch sử suy tư, lên công thức, thực hành thử, và… thất bại: bởi đây là vấn đề rất “con người”, rất riêng tư, không thể lấy một công thức áp dụng cho mọi hoàn cảnh, mọi cá nhân được.

Mở bài như thế, là tôi muốn gửi gắm đến bạn đọc rằng, vấn đề chúng ta đang đối diện đây – “thay đổi bản thân” – là một vấn đề rất khó khăn, khó còn hơn phóng phi thuyền lên mặt trăng, thế nên rất cần một thái độ tiếp cận đúng đắn: bạn đọc sẽ cần kiên nhẫn với bài này, và với cả quá trình thay đổi bản thân của chính bạn.

2. Cấu trúc của bài

Bài viết sẽ bao gồm các ý nhỏ, đánh số liền mạch, trong các ý lớn như sau:

  • ‘Thay đổi’ trong ‘Thay đổi Bản thân’
  • ‘Bản thân’ trong ‘Thay đổi Bản thân’
  • Thay đổi bản thân: những gợi ý thực tiễn

***


Tâm lý học của sự thay đổi bản thân


Wanderer above the Sea of Fog - Caspar David Friedrich (1818)
Wanderer above the Sea of Fog – Caspar David Friedrich (1818)

3.

Có một sự thật đó là, ai cũng thay đổi cả.

Sẽ có người bảo rằng, “bạn hoàn hảo rồi, không cần thay đổi gì nữa hết”, mà tôi cũng đồng ý một phần, tùy vào cái ngữ cảnh cụ thể của nhận định đấy:

“Đối với anh, em đã hoàn hảo rồi”

“Thôi đừng buồn nữa, đây tặng em 10 triệu”

Thật ra, chỉ có người chết mới không thay đổi thôi; còn sống là ta còn thay đổi, từng giây, từng phút một, cả về mặt vật lý lẫn tâm lý. Vậy nên câu hỏi không phải là ta có thay đổi hay không, mà là ta thay đổi như thế nào.

Ta muốn thay đổi, bởi ta bất mãn với hiện tại: mỗi ngày như mọi ngày, ta cảm thấy cuộc đời ta như bị mắc kẹt, ta chẳng đạt được thành tựu gì, ta nghẹt thở bởi những thứ ta đã có thể trở thành, tiếc nuối cho những cơ hội đã qua; hay ngay cả những thứ ta từng muốn nay cũng đã không còn làm ta thỏa mãn.

Và đến một lúc, ta quyết định: “hây a, mình phải thay đổi!”.

Vậy nếu bạn đã chấp nhận một sự thay đổi là cần thiết trong đời sống của mình, thì đây chúng ta cùng xem xét tiếp.


‘Thay đổi’ trong ‘Thay đổi Bản thân’


4. Ta thực sự muốn gì?

Đó giờ ta muốn thay đổi nhưng thay đổi mãi không được, là bởi ta chưa nghĩ kỹ về điều ta thực sự muốn.

Thường ta mong muốn một công việc tốt hơn, đầu óc ít lo nghĩ hơn, người yêu hiểu mình hơn, tút được nhiều likes hơn, nhiều tiền hơn, tối ưu hóa bản thân hơn… rất nhiều chữ “hơn”.

“Hơn” ở đây, là một chuỗi những cảm xúc tích cực mà ta kỳ vọng rằng ta sẽ có được nếu chúng ta đạt được mục đích, ví dụ như nhiều likes hơn thì ta sẽ cảm thấy thỏa mãn.

5. Phương tiện và Cứu cánh

Thường khi có mong muốn gì đó, ta có xu hướng quên đi, hoặc không nhận ra cứu cánh (mục đích cuối cùng) mà thường chỉ nhắm tới phương tiện: ta lấy phương tiện làm mục đích.

Ví dụ như ta chỉ toàn nghĩ tới likes (phương tiện), nhưng quên mất cái ta muốn thực sự là những cảm xúc thỏa mãn (cứu cánh) khi ta được công nhận, được trân trọng, được lắng nghe,…

Những cảm xúc thỏa mãn thì chắc chắn không chỉ phụ thuộc vô nút likes vốn khá ảo, hời hợt và biến tướng, nếu muốn “được công nhận, được trân trọng, được lắng nghe”, thì ta có thể tìm thấy cảm giác đó trong một cuộc trò chuyện thân tình, hay trong một hoạt động nào đó có ích cho người khác: thế hệ ông bà ta vẫn sống tốt mà không cần mạng xã hội.

6. Cái-ta-muốn sở hữu ngược lại ta

Không ý thức được cái ta thật sự cần, ta sẽ bị phương tiện sở hữu ngược lại mình, khiến tâm lý ta bị phụ thuộc chúng một cách tự động: ta vui-buồn-lo lắng lẫn lộn với điểm số, với thu nhập, với số likes, với biến động của thị trường.

Một lúc nào đó, chúng ta sẽ cảm thấy mắc kẹt với tất cả những phương tiện như vậy, vì chúng quá biến động, trong khi con người lại có xu hướng bảo thủ, thích sự an toàn. Từ cái mong muốn an toàn đó, ta đi tìm một trạng thái mới bớt phụ thuộc vô những phương tiện cạn cợt như vậy: câu hỏi “ta thực sự cần gì” được đặt ra, và là câu hỏi quan trọng, vì khi nhận rõ cứu cánh, ta sẽ bớt nô lệ vào phương tiện.

Tới đây, ta có kết luận đầu tiên: Thay đổi để có cảm giác thỏa mãn, chứ không phải thay đổi vì phương tiện.

Công thức:  Thay đổi –> phương tiện (likes, tiền, danh, sắc,…)  –> cảm giác thỏa mãn

7. Mắc kẹt với thỏa mãn

Ở đây chúng ta dấy lên một câu hỏi khá thú vị đó là: nếu cuộc đời cái gì cũng thỏa mãn, cũng như ý ta cả, thì chẳng phải sống thế chán lắm sao?

Vấn đề này đến từ chỗ con người dễ nhàm chán với những thứ lặp lại, cho dù chúng là thứ mà ta hằng mong muốn. Ngay cả những con nghiện ma túy, họ cũng không hài lòng với chỉ liều lượng đó, họ phải “tăng đô”, vì cơ thể ta cơ bản là luôn vậy: nó quen với một “bình thường mới”, nó đòi hỏi sự thay đổi.

Ở đây ta sẽ cần một chút mô hình để dễ hình dung:

00000: bình thường, tâm trí đòi kích thích

00100: 1 chính là kích thích, ta thấy thỏa mãn

11111: bình thường mới, tâm trí đòi kích thích mới

12111: 2 xuất hiện như là một kích thích mới, ta thấy thỏa mãn

22222: bình thường mới, tâm trí “lại đòi” kích thích mới. (Cứ thế lặp lại).

Cái mong muốn “thay đổi bản thân” chính là cái mong muốn biến đổi 00000 thành 00100, 11111 thành 12111: cơ bản là ta không thể ở yên một chỗ được, như con nít vậy, ta luôn tìm gì đó để kích thích tâm trí ta.

8. Kích thích không chỉ có vui sướng

Cái gọi là kích thích mới, nó không phải chỉ toàn là cảm xúc tích cực như vui-sướng-phê-tự hào, mà nó sẽ đa dạng cảm xúc: ví dụ như bạn đi tập thể dục, bạn sẽ thấy hơi mệt, thậm chí khó chịu, đau đớn – đây không thể là cảm xúc tích cực được, nhưng cuối cùng bạn lại thấy thỏa mãn.

Đó là lý do cho việc chúng ta thường được khích lệ đức tính hy sinh, “khổ trước sướng sau”, hay “hãy theo đuổi ý nghĩa, đừng theo đuổi hạnh phúc”: chúng ta muốn có đủ vui-buồn-sướng-khổ trong đời sống ta.

Kích thích mới do vậy cũng bao gồm cả những cảm giác tiêu cực như sợ hãi, lo âu nữa; ngay cả đau khổ, cũng là một thứ cảm xúc người ta mong muốn mà người ta không nhận ra.

Muốn đau khổ ư? Ai lại muốn được đau khổ?

9. Nghiện sự đau khổ

Có một câu tục ngữ đó là “Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về” mà bản thân tôi cũng từng trải nghiệm ngoài đời, khi thằng bạn tôi kể lại với tôi cách nó nhìn nhận phụ nữ: tức là nếu vợ nó mà trái ý, thì nên tát cho vài bạt tai, để sau này không hư hỏng, đua đòi, từ đó vợ sẽ ngoan, gia đình đầm ấm.

Sau này khi tìm hiểu về nạn bạo hành gia đình, tôi mới nhận ra là rất nhiều người phụ nữ thích cảm giác bị bạo hành về cả ngôn ngữ lẫn tay chân như vậy mà không ý thức được, họ sẽ chối rằng không thích bị bạo hành, nhưng đến khi gặp một trai ngoan, bình tĩnh chững chạc, họ lại cảm thấy xa lạ trong mối quan hệ đó, họ làm mọi cách để kích giận người đàn ông, mong muốn sự phản ứng của anh ta, bởi người đàn ông bạo hành sẽ tạo cảm giác quen thuộc, bao bọc như người bố thuở xưa đã từng đánh đòn, chửi mắng họ: Thế là chúng ta vẫn còn mắc nợ với tuổi thơ quá nhiều.

“Dạy vợ từ thuở bơ vơ” trở thành “tục ngữ”, công cụ thao túng tâm lý của đàn ông gia trưởng, cũng bởi tính hiệu quả biết bao đời nay trong cái nền văn hóa dung túng nó.

Do vậy, cả trong vô thức lẫn hữu thức, ta sẽ mong muốn sự trải nghiệm một cách sống động, không phân biệt sướng-khổ, phỏng theo cái nết tâm lý mang tính cá nhân riêng tư của ta.

Tới đây, ta phải thay đổi một chút công thức ở đoạn 6, đó là: Thay đổi để tìm kích thích mới mẻ, tìm cái trải nghiệm sống động vốn không chỉ toàn cảm xúc tích cực.

Công thức: Thay đổi –> cảm giác thỏa mãn –> trải nghiệm sống động

10. Kỳ vọng dẫn đến thất vọng

Khi tâm trí ta đã dự định, trù liệu (project) trước cái trải nghiệm, tức có kỳ vọng, thì cái trải nghiệm đó không còn mới mẻ và sống động nữa: đây chính là cơ cấu tâm lý của châm ngôn “kỳ vọng sẽ dẫn đến thất vọng”.

Cái mới mẻ, phải là cái gì mà ta không lường trước được, ta không lên kế hoạch cho nó, không kỳ vọng nó.

Ví dụ, đối với tôi, chuyện viết là một cái trải nghiệm sống động, bao gồm vui-buồn-sướng-khổ, nhưng nhiều lúc vì tôi kỳ vọng rằng viết sẽ đem lại những cảm xúc đó cho tôi, cho nên đến một lúc, tôi thấy viết trở nên xa lạ, tôi không còn cảm xúc gì với nó, tôi muốn nó khiến tôi bối rối cũng không được, nó ngay đây trước mắt tôi mà cứ như xa xăm vạn dặm: Cái kỳ vọng đã làm tôi thất vọng.

Kỳ vọng dễ dẫn đến thất vọng, bởi khi kỳ vọng là ta đang dùng tâm trí cũ để ứng đáp với một trải nghiệm mới mẻ.

Giải pháp của tôi đó là, tôi rời bỏ việc viết một thời gian, quên nó luôn, và để cảm hứng trở lại với tôi một cách tự nhiên không kỳ vọng. Đây cũng là cách nhiều vĩ nhân trong quá khứ từng làm, khi tôi đọc tiểu sử về họ: họ có nhiều mối quan tâm khác nhau, nhiều khoảng thời gian thư giãn hoàn toàn, để sau đó tâm trí có thể trở lại với vấn đề một cách mới mẻ, toàn diện.

11. Thay đổi vì bản thân sự thay đổi, hay thay đổi một cách tự nhiên

Cho nên, thay đổi rất nhất thiết là cần xảy ra một cách tự nhiên, như một đứa bé chạy ra ngoài sân chơi vô tư không kỳ vọng vậy, chúng chẳng có mong muốn “tối ưu hóa bản thân”; hoặc như những bộ lạc nguyên thủy chưa tiếp xúc văn minh hiện đại: họ làm gì cũng tự nhiên tự tại, như cách họ đã sống hàng trăm nghìn năm qua, và hầu như không vật lộn với bệnh tâm lý như người văn minh chúng ta đây.

(Lưu ý thêm là, tôi không có lãng mạn hóa đời sống nguyên thủy. Các cá nhân của bộ lạc thường sống khá tự nhiên, không tự dằn vặt bản thân, vì đời sống họ đơn giản, rõ ràng, mạch lạc. Thêm nữa, nếu một cá nhân vì lý do bẩm sinh khách quan mà bị bệnh tâm lý, khó giao tiếp và kết nối với cộng đồng, thì rất dễ bị coi là quỷ ám và bị giết sớm. Tất nhiên bạn sẽ không muốn hoặc khó có thể trở lại với đời sống bộ lạc nguyên thủy như vậy.)

Đây là sự thay đổi khó nhất: thay đổi một cách tự nhiên không kỳ vọng, không nhằm phục vụ cái tư duy chủ quan, duy ngã (phục vụ cái Tôi) của ta.

Ở đoạn 10, tôi có kể giải pháp của tôi đối với chuyện viết đó là “quên nó đi, rồi cảm hứng tự dưng trở lại một cách tự nhiên không kỳ vọng.” Vậy đối với tôi, viết là một điều tự nhiên, nó đến từ những nhu cầu phỏng theo nết tâm lý rất riêng tư của tôi như:

  • Nhu cầu tìm tòi, khám phá một thứ: Chơi đùa với ý tưởng, tìm cách giải đáp một vấn đề.
  • Nhu cầu kết nối với người khác: Viết cũng giúp tôi kết nối với người đọc, kể lại điều gì đó hay ho.

Vậy nếu ta cứ có những sự thôi thúc lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy, hẳn đó sẽ là xu hướng tự nhiên của ta; và sống một cách tự nhiên, sống “đúng” với chính mình ( miễn không ảnh hưởng người khác), cũng có thể là một gợi ý hay cho vấn đề thay đổi một cách tự nhiên.

Công thức: thay đổi –> cảm giác thỏa mãn –> trải nghiệm sống động –-> thay đổi

12. Ở đây cần tóm lại quá trình chúng ta đã lập luận:

1) Ta bất mãn, ta muốn thay đổi để có cảm giác thỏa mãn. Đây có thể gọi là theo đuổi hạnh phúc, theo đuổi đam mê.

2) Ta nhận ra sự thỏa mãn cũng rất mau chán, ta muốn thay đổi để có trải nghiệm sống động. Đây gọi là theo đuổi ý nghĩa, đức hy sinh, khổ trước sướng sau.

3) Ta kỳ vọng những trải nghiệm sống động, nhưng cái trải nghiệm sống động mà được trù liệu|phóng chiếu (project) trước thì đã không còn sống động mới mẻ nữa. Đây gọi là kỳ vọng dẫn đến thất vọng.

Tới đây, chúng ta đối diện với vấn đề nan giải cuối cùng, đó là:

Nghịch lý của thay đổi: thay đổi cũng không được, mà không thay đổi cũng không xong.

Thật ra cái nghịch lý đó cũng là điều tự nhiên, vì con người vốn bản chất đã mang trong mình cái mâu thuẫn đó là: vừa muốn thay đổi, trải nghiệm mới lạ, lại vừa muốn an toàn, quen thuộc.

Cái khó đó là xã hội hiện đại ngày nay đã làm trầm trọng thêm cái mâu thuẫn đó, cho nên mỗi người rất cần tự mình tìm lấy một lối đi phù hợp cho riêng mình để hóa giải cái mâu thuẫn này.

Và để tìm thấy lối đi đó, phải chăng chúng ta sẽ cần hiểu hơn cái chủ thể của sự thay đổi, tức “bản thân” trong “thay đổi bản thân”?


‘Bản thân’ trong ‘Thay đổi Bản thân’


13.

Mọi mong muốn thay đổi, nếu không có nền tảng của “biết mình” (know yourself), thì đều sẽ rất mong manh, dễ vỡ vụn.

Examining an Arrow - Okada Saburōsuke (1893)
Examining an Arrow – Okada Saburōsuke (1893)

14.

Thông thường, công thức thay đổi chuẩn mà mọi người nghĩ, sẽ như thế này:

1) Bạn nhận rõ năng lực, tính cách, mong muốn của bản thân

2) Bạn đề ra mục tiêu cụ thể, và cố gắng hiện thực hóa mục tiêu đó

3) Thành quả của bạn được xã hội trả công, bạn cảm thấy mình có ích

Thực tế thì chúng ta thường sẽ thất bại, hoặc nếu có, thì cũng sẽ dẫn đến thất vọng, như đã giải thích ở đoạn 4-12 của bài. Chủ yếu vấn đề nằm ở ngay khâu đầu tiên đó là ta thực ra không hiểu ta cho lắm; ta tưởng ta hiểu, nhưng thực sự thì không.

Thế thì, liệu chúng ta có thể biết rõ bản thân hơn được không? Và làm sao?

Có hai ý tưởng khá thú vị đến từ hai vị triết gia lỗi lạc của thế kỷ 20, có thể giúp làm sáng tỏ vấn đề này, là: Ngôn ngữ riêng tư (private language) của L.Wittgenstein (đoạn 15-19), và Bản thể luận của M.Heidegger (đoạn 20-22).

15. Việc mô tả bản thân bằng ngôn ngữ

Nếu tôi yêu cầu bạn mô tả về bản thân, hoặc trình bày sự hiểu bản thân của bạn, thì có phải bạn sẽ diễn đạt bằng ngôn ngữ không?

Con người là loài sinh vật của những văn bản: những câu chuyện ta kể ta nghe, những niềm tin, định kiến ta vịn vào, trong mối quan hệ ta với ta, và ta với xã hội. Bất cứ cái gì bạn cho rằng bạn hiểu bạn, đều sẽ cần thông qua phương tiện là ngôn ngữ.

Nhưng có rất nhiều thứ bạn tưởng tượng trong đầu, đến khi cần ngôn-từ-hóa như nói hoặc viết ra thì chỉ được có chút xíu. Và những cái được ngôn-từ-hóa, chính là ngôn ngữ tập thể – thứ ngôn ngữ chúng ta hay dùng thường ngày.

16. Ngôn ngữ tập thể

Ví dụ như chữ “buồn”, bạn nói bạn buồn với bạn của bạn, nó sẽ bảo là “tao hiểu cảm giác đó”, nhưng đến lúc nói chuyện một hồi, bạn sẽ thấy sự hiểu của nó rất trớt quớt:

“hồi đó tao cũng buồn như mày vậy, nhưng nhờ ra ngoài vườn đếm lá trên cây, tao đã hết buồn, mày cũng nên thử”.

Bất cứ cái gì chúng ta trao đổi với nhau qua ngôn ngữ tập thể, thì ta đều hiểu nhau ở mức độ gọi là đại khái, tương đối, nhưng cuối cùng lại không thật sự hiểu nhau hoàn toàn.

Đó là trao đổi giữa 2 cá nhân với nhau, còn ta dùng ngôn ngữ tập thể để cố gắng hiểu mình thì sao? Tức ta dùng ngôn ngữ hàng ngày để mô tả ta, kết luận ta thế này thế nọ.

Nếu muốn biết, bạn cứ thử viết một bài luận ngắn trình bày quan điểm của bạn, hoặc bạn có thể xem mấy bài quan điểm, tâm sự của người khác trên mạng, là bạn sẽ thấy: Nhiều lúc đọc xong bạn chả hiểu họ viết cái gì.

Và chúng ta cũng thường như vậy khi viết hay trình bày suy nghĩ của ta: ta khó khăn trong việc trình bày mạch lạc, hoặc viết xong ta cũng thấy ta chả hiểu gì, hoặc lúc này hiểu, nhưng một thời gian sau đọc lại thì “chả hiểu tại sao lúc đó mình lại viết như vậy!”.

Đó là bởi “Ngôn ngữ là công cụ của đám đông để hiểu một người.”  (Wittgenstein)

Khi bạn nhìn lại ảnh minh họa (đoạn 15), bạn sẽ thấy cái ngôn ngữ thường ngày chỉ có thể biểu đạt rất ít tâm tư, nguyện vọng, cảm xúc riêng tư của ta. Vậy thì liệu phần nhỏ đó có giúp ta hiểu ta một cách trọn vẹn toàn bộ không? Liệu chỉ một góc bức tranh đã đủ để ta thấy trọn cả bức? Hẳn là không.

Đó là lý do bạn sẽ có vẻ hiểu người khác hơn là bạn hiểu chính bạn, bởi khi bạn nghe người khác kể chuyện, ở đó không có những mâu thuẫn nội tâm, không có những sự kiện bị cố tình giấu đi: sự kể chuyện của người khác chỉ đem lại những ấn tượng chung chung, và bạn sẽ dễ hài lòng với những ấn tượng sai lệch đó. Đó là lý do truyện ngôn tình, giả tưởng sẽ vẫn luôn hấp dẫn con người, vì chúng thỏa mãn mong muốn của ta, và đồng thời giúp ta không cần phải tốn não để suy tư sự thật-giả trong câu chuyện đó.

17. Ngôn ngữ riêng tư (private language)

Sau khi chỉ ra cái khó khăn của việc dùng ngôn ngữ tập thể để hiểu bản thân, Wittgenstein đã đặt giả thuyết về một thứ ngôn ngữ riêng tư (private language) để xem liệu ta có thể hiểu bản thân rõ hơn được không, nếu ta dùng công cụ được cá nhân hóa như vậy:

Bạn có một thứ cảm giác đó, đặt tên nó là “buồn” thì không được, vì chắc chắn người ta sẽ hiểu khác, như đã nói ở đoạn 16, và từ “buồn” cũng không diễn tả đúng cảm giác mà bạn đang cảm thấy, thế nên bạn quyết định đặt tên cho cảm giác đó là “YAZ”, một từ chỉ dùng cho chính bạn. Và mỗi lần gặp lại cảm giác đó, bạn sẽ dùng từ “YAZ” để gọi tên nó. Nhưng có vấn đề đó là:  lần sau bạn gặp lại cảm giác đó, làm sao bạn biết chính xác rằng cảm giác đó bạn gọi đúng tên nó là “YAZ”?

Để có thể biết chính xác, bạn không thể vịn vào trí nhớ của bạn, mà cần phải có sự xác nhận của người khác (social confirmation).

Ví dụ trong đám đông, bạn có thể chỉ ra một người rằng đó là “Tiến”, vì bạn có quen biết Tiến. Nhưng lỡ cái người đó thật ra tên là Tuấn, vì bạn nhớ nhầm tên thì sao? Bạn sẽ cần sự xác nhận của chính bản thân Tiến, hoặc một người thứ 3 vốn cũng quen biết Tiến.

Có khả năng là người thứ 3 sẽ bảo “mày nhớ lộn rồi, nó tên Tèo”…

Bởi vì ngôn ngữ riêng tư không thể được xác nhận bởi người khác, còn ngôn ngữ tập thể thì chỉ chiếm phần nhỏ trong tư duy và nhiều khả năng khiến cho ta không thật sự hiểu nhau (qua ví dụ từ “buồn”), cho nên có thể kết luận ở đây rằng:

Chúng ta sẽ không thể biết chắc chắn được điều ta biết.

Tới đây, kết luận của phần 16-17 là:

  • Ngôn ngữ tập thể thì mang tính tương đối, không tin cậy hoàn toàn được.
  • Ngôn ngữ riêng tư thì không thể tồn tại, vì thiếu sự xác nhận.

18. Tại sao vấn đề ngôn ngữ lại thiết yếu trong việc hiểu bản thân

Thường chúng ta rất mau mắn tự mô tả bản thân mình là thế này, thế nọ; ta dựng lên một hình ảnh về bản thân, rồi ta đề ra mục tiêu, kế hoạch, hành động ứng với cái hình ảnh đó.

Nhưng qua đoạn 16-17, ta có thể thấy rằng khi ta dùng ngôn ngữ tập thể để kết luận mình “là người nhóm ENFP”, “là người thích xã giao”, “là người ham học hỏi”, “là người năng động”, “người biết lắng nghe”, “người cung Song Ngư”,… thì chúng đều thường rất sáo rỗng và vô nghĩa khi ta thực sự đi vào thực tế giao tiếp, học hỏi, giải quyết vấn đề ở hiện tại.

(riêng với các ngôn ngữ mang tính khách quan như “cao 1m69” thì không xét đến ở đây)

Dù sao thì mỗi cá nhân đều có xu hướng tính cách, sở thích, kỹ năng có thể hoặc rõ nét, hoặc mờ mờ vì chúng thường lặp đi lặp lại. Nên chúng ta có thể tạm gắn bản thân mình với chúng, ví dụ như “hướng nội, hướng ngoại”, đồng thời cũng cần ý thức rằng chúng chỉ là tương đối. Dù bạn hướng nội, nhưng sẽ có hoàn cảnh khiến bạn nói nhiều tới mỏi cả mồm.

Nhận ra cái gì là tương đối, tức biết cái ta không biết, là rất quan trọng để hiểu bản thân.

19. Bài học thực tiễn qua phần Ngôn ngữ (15-18)

Sau khi nhận ra tôi thật sự không biết rõ cái tôi biết, thì tôi đánh giá thấp hẳn những suy nghĩ vẩn vơ của ngày đã qua (đặc biệt chuyện liên quan tới người khác), do vậy tôi cũng không ám ảnh với chúng. Nếu cần suy tư, tôi sẽ viết, vì chúng sẽ trông rõ ràng hơn trên mặt giấy, con chữ.

Khi chúng ta không mang gánh nặng của quá khứ, không nuôi dưỡng chúng bằng ngôn từ, diễn giải, phán xét, kết luận, thì tâm trí ta sẽ trống rỗng hơn, nhẹ nhàng và thoải mái hơn rất nhiều trong công cuộc thay đổi bản thân, đón nhận cái mới.

Nhưng nếu ngôn ngữ chỉ là tương đối, thì có cách nào khác để giúp ta hiểu bản thân hơn được không?

Sau khi nhận thấy dùng ngôn ngữ tập thể để hiểu bản thân là không hiệu quả lắm, thì tôi thấy có một cách khác để kết hợp cùng ngôn ngữ, đó là: quan sát, và trải nghiệm.

20. Một món đồ kỳ diệu

Nhân lúc đọc “Being and Time” (Hữu thể và Thời gian) của Heidegger, tôi có biết đến một câu chuyện ngụ ngôn khá hay, xin kể vắn tắt thế này:

“Có anh nông dân kia được vị quý tộc mời tới tòa lâu đài chơi lần đầu. Anh nông dân vô không tìm thấy vị quý tộc, thế là anh đi xung quanh tò mò quan sát mọi thứ. Sau đấy, anh bắt gặp và lụm lên một vật thể bằng kim loại: nó nằm gọn trong lòng bàn tay, bóng loáng như một món trang sức mắc tiền; tiếng kêu của nó rất lạ lùng, có mấy thanh nho nhỏ chuyển động mềm mại; anh mắt không rời, thích thú quan sát nó.

Bỗng vị quý tộc bước vô, bảo “a, tôi tìm cái đồng hồ nãy giờ!”.

Ở câu chuyện trên, ta thấy cái “đồng hồ” đã trở thành một vật quen thuộc với vị quý tộc, nhưng với anh nông dân, nó trở thành một điều kì diệu: anh quan sát nó, cảm nhận nó một cách hoàn toàn, sống động. Cái đồng hồ giống như tự nó đang phơi bày bản thân ra cho anh cảm nhận vậy. Anh và nó bỗng dưng có mối liên kết mật thiết, nó chiếm trọn hết tâm trí anh.

Đối với vị quý tộc, cái đồng hồ đã trở thành danh từ “đồng hồ”, nên không còn được vị quý tộc quan sát ở thì hiện tại sống động nữa. Vị quý tộc chỉ đơn giản là cầm bỏ vô túi, chẳng nghĩ tới nó, lâu lâu lấy ra coi giờ thôi.

Đó là cái đồng hồ, một thứ máy móc. Thế còn bản thân chúng ta – một thứ sinh động, luôn luôn thay đổi, luôn luôn mới mẻ – thì sao? Liệu chúng ta có nên kết luận, dán nhãn ta thế này, thế nọ không?

21. Bản thể luận của Heidegger

Vì đối tượng của bài viết này là cho độc giả không chuyên, nên tôi cũng trình bày một cách uyển chuyển (và hẳn có chút sai lệch) về một quan điểm triết học quan trọng:

Trước Heidegger, triết học phương Tây có truyền thống định nghĩa một thứ là thế này thế nọ. Hai chữ ở đây bạn cần chú ý là: chữ “định nghĩa” và chữ “là”.

“Định” trong “định nghĩa” là gì? Là bắt nó đứng lại (định: đứng yên). Chỉ khi một vật nó đứng yên, thì chúng ta mới có thể cùng nhau quan sát, phân tích, nghiên cứu, trao đổi về nó. Thường chúng ta bắt một vật đứng yên bằng cách trừu tượng nó thành một khái niệm. Và ta sẽ bảo rằng nó “là thế này”, “là thế nọ”.

Khi ta bắt đối tượng đứng lại, thì ta tạo ra một mối quan hệ chủ thể – khách thể:

Michele Butcher, ThăngFly

Nếu bạn liên hệ với phần ngôn ngữ tập thể của Wittgenstein (đoạn 16), bạn sẽ thấy sau khi trao đổi với nhau, hai người trong hình minh họa nếu có đồng thuận gì đó về Pikalong, thì cái đồng thuận đó không còn là Pikalong nữa, mà là Pikalinh hay gì đó khác: Pikalinh là biểu tượng mang tính tương đối cho sự thật Pikalong.

Heidegger đã đặt ra một câu hỏi táo bạo đi ngược lại truyền thống triết học phương Tây, đó là: Thế thì cái đấy (Pikalong) diễn ra như thế nào cho ta?

Tức thay vì đặt vấn đề “IS” (là) (“một thứ là thế này thế nọ”), thì Heidegger đổi sang “HOW” (diễn ra) (“thứ đó diễn ra thế nào cho ta”).

Đây là một cách đặt vấn đề rất quan trọng, vì nhân loại phát triển văn minh đến được hôm nay cũng bởi chúng ta có thể trừu tượng hóa những sự vật hiện tượng, rồi hợp tác với nhau dựa trên các đồng thuận đó (ví dụ: tôn giáo, ngôn ngữ, tiền bạc, tín nhiệm,…). Nhưng điều này tạo ra thế mắc kẹt, đó là chúng ta dần coi trọng biểu tượng hơn sự thật: tức coi trọng Pikalinh hơn Pikalong. Và thái độ này đã dẫn đến việc chúng ta ngày càng xa rời sự thật, tạo nên những bức bối trầm trọng trong cách xã hội vận hành.

Ví dụ, “tình yêu” là một biểu tượng, ai cũng tưởng là mình biết tình yêu là gì, nhưng lại không định nghĩa được tình yêu là gì. Một cô gái nói “anh ấy yêu tôi lắm”, nhưng khi bạn quan sát, bạn lại thấy sự thật đó là anh đấy bạo hành cô ấy. Vậy đó có phải là tình yêu?

Liên hệ vấn đề “biểu tượng – sự thật”, “khách thể – chủ thể” đến bản thân, ta sẽ thấy:

Việc chúng ta có mong muốn “tối ưu hóa bản thân”, hay “làm chủ tâm trí”, hoặc “kết luận bản thân thế này thế nọ bằng ngôn từ”, sẽ đặt ta vào thế “chủ thể – khách thể” đối với bản thân ta, tạo ra mâu thuẫn nội tâm giữa cái ta “đang là” (sự thật) với cái ta “nên là|muốn là” (biểu tượng), từ đấy dẫn đến việc ta mất kết nối với bản thân ta, ta dần trở nên xa lạ với chính ta.

Cách đặt vấn đề cái đấy diễn ra thế nào (how) cho ta của Heidegger, đã đặt con người (chủ thể) và đối tượng (khách thể) vào một mối quan hệ gắn kết, qua lại lẫn nhau, làm mờ đi vai trò chủ thể – khách thể, giống như câu chuyện anh nông dân và chiếc đồng hồ vậy.

22. Vậy “ta diễn ra (how) thế nào cho ta?”

Khi chiêm nghiệm, hồi tưởng, phân tích, đánh giá (ví dụ: ta là này, ta nên thế nọ, ta cần thế kia),… ta đã tách biệt bản thân ra, và soi xét lại ta trong quá khứ, lấy đó làm chất liệu để tưởng tượng ta của tương lai; hai trạng-thái-ta đó không còn là “diễn ra” nữa, mà đó là những ta-xa-lạ: những trạng thái ta-thứ-cấp (secondary states).

Diễn ra, phải ở thì hiện tại.

Chỉ có trong hiện tại, ta mới có thể toàn tâm toàn ý cho công cuộc hiểu bản thân. Đó là lý do bạn thường nghe khuyên rằng “hãy sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng bạn được sống”. Bạn có thể tìm thấy trạng thái này trong khi bạn đang say mê một công việc gì đó, bạn chẳng nghĩ gì tới quá khứ và tương lai cả. Hoặc dù khi bạn đang giận dữ, buồn phiền, lo âu,… thì tất cả cảm giác đó, nếu bạn có thể ý thức ngay được, thì đó cũng đã là “hiểu bản thân” rồi: hiểu bản thân không phải là đích đến, không phải là những kết luận, mà là sự ý thức liên tục bạn trong mối tương giao với bản thân, với người khác, và với sự vật hiện tượng (ví dụ tương giao của bạn với game).

Do vậy, cái học tâm lý (khác với cái học cơ giới: ví dụ học lập trình) hiệu quả nhất là trong hiện tại: tức trải nghiệm, thực hành, quan sát bản thân trong hiện tại. (gọi là chánh niệm – mindfulness)

Chúng ta là sinh vật xã hội, đồng thời là sinh vật có mối quan hệ mật thiết với những công cụ, vật thể quanh ta: Một cái bàn – theo Heidgegger diễn giải – không đơn giản chỉ là một cái bàn: nó còn là nơi gia đình ngồi ấm cúng bên nhau, là nơi mà tụi trẻ chơi đùa, nơi mà quyết định quan trọng đó được thông qua, nơi mà tác phẩm ấy được hình hài, nơi của những ngày lễ và hội hè, nơi của những vui buồn lẫn lộn. Do vậy, mọi cái đang-là-trong-thế-giới (being-in-the-world) đều là đang-là-với-nhau (being-with, hay Mitsein trong tiếng Đức).

Ý thức bản thân trong hiện tại (hành động, suy nghĩ, cảm xúc), ném mình vào trải nghiệm để bản thân tự nó phơi mở ra cho ta, thì ta sẽ kết nối hơn với bản thân, và đồng thời cũng kết nối hơn với mọi người, mọi vật quanh ta. Đây chính là cái biết mình (know yourself) đích thực.

The Artist Sketching at Mount Desert, Maine - Sanford Robinson Gifford (1860s)
The Artist Sketching at Mount Desert, Maine – Sanford Robinson Gifford (1860s)

Thay đổi bản thân: những gợi ý thực tiễn


23. Không phải ta muốn gì, mà là ta thực sự cần gì

Trong đoạn 4-12, ta đã thấy việc “muốn” (phục vụ cái Tôi) đã dẫn đến kết quả là ta sẽ bất mãn thế nào, cho nên sẽ thiết thực hơn nếu ta điều chỉnh câu hỏi thành “ta thực sự cần gì”.

Con người đã tiến hóa và sinh sống bằng hình thức săn bắn – hái lượm từ khoảng 1.8 triệu năm trước, do vậy, sẽ rất hay nếu ta thử tìm gợi ý trong một cái gì đó uyên nguyên cốt lõi (origin) mà tổ tiên ta và ta cùng chia sẻ:

  1. Kết nối với cộng đồng (cảm thấy an toàn, cảm thấy thuộc về)
  2. Kết nối với thiên nhiên
  3. Kết nối với bản thân ( sống một cách tự nhiên tự tại; cái Tôi khiến chúng ta mất kết nối với bản thân)
  4. Kết nối với công việc (tự chủ – sáng tạo – có ích cho cộng đồng)

Tôi xin lấy một ví dụ thực tiễn để liên hệ đến cái uyên nguyên cốt lõi này, đó là vấn đề của giải trí: Ngày nay, ta bị nghiện giải trí quá nhiều, bởi bình thường tâm trí ta sẽ áp lực, và mệt mỏi, cho nên giải trí cần phải dễ dãi, thì mới có thể bù đắp được sự cạn kiệt về thể chất và tinh thần.

Nhưng tổ tiên ta cũng có nhu cầu giải trí, đúng không?

Và cái giải trí của họ lấy thực tế (reality) làm chất liệu: câu cá, đi săn, vật lộn, nhảy múa, nghi thức lễ hội (rituals, games), trò chuyện, bắt chấy cho nhau, xây sửa nhà lá, vẽ vời (tranh hang động),… vốn rất khác với giải trí ảo của ta bây giờ: đọc tin tức, hóng hớt showbiz lộ hàng đánh ghen, tiktok, mạng xã hội, youtube, phim, self-help, porn, nhạc, manga, anime, game, order đồ ăn vặt, selfie,…

Cái giải trí đầu tiên thì khá chủ động, cái giải trí ảo thì lại khá bị động, bạn thấy khác chưa?

Tất nhiên những giải trí ảo không hẳn hoàn toàn xấu, nhưng tốt hơn hết là ta cần hiểu rõ cơ cấu của chúng để tránh bị nghiện và làm nô lệ cho chúng. (từ khóa: dopamine detox)

Những giải trí lấy thực tế làm chất liệu ở xã hội hiện đại có thể bao gồm: thiền-yoga (kết nối với bản thân), gặp gỡ trò chuyện (với những người bạn thật sự cảm thấy được là chính mình), chơi thể thao, vẽ vời, dọn nhà, tham gia workshop, ca hát, nhảy múa, nấu ăn, lao động tay chân, chơi với chó mèo, coi phim tài liệu,…

24. Cách tư duy vận hành

Để hiểu bản thân, rất cần hiểu cách tâm trí chúng ta vận hành:

Kích thích > trí nhớ > phản ứng > ý nghĩ > ý tưởng -> hành động.

Sense > memory > response > thought > idea > action.

Bất cứ phần nào trong các phần trên cũng cần tìm hiểu.

Ví dụ như Phản ứng, nó sẽ xảy ra ngay, bạn không chủ động nó được, đó là lý do bạn nghĩ bạn nên làm thế này, nhưng đến lúc làm thì lại thế khác, vì cơ bản thói quen phản ứng nó sẽ xảy ra một cách tự động.

Nhưng bạn có thể chủ động với các kích thích như là chủ động tắt điện thoại tránh xao nhãng, uống nước căng bụng khi thèm ăn, thu xếp với đồng nghiệp hay bố mẹ là đừng làm phiền vào khung giờ đó.

Ngoài ra, bạn cũng có thể chủ động với những việc như là dùng lý luận để chối bỏ những ý tưởng, niềm tin không còn phù hợp với bạn.

25. Cái Tôi – nguồn cơn của đa số vấn đề trong cuộc sống

Bạn sẽ cần đọc bài viết sau đây, để hiểu hơn về quá trình tâm lý hình thành nên cái Tôi của mỗi chúng ta:

https://spiderum.com/bai-dang/Cai-Toi-va-su-co-don-k35

26. Thiền

Thiền giúp bạn cai nghiện suy nghĩ, bình tâm lại, trữ năng lượng tâm trí, đưa tâm trí về trạng thái mặc định (default mode), rỗng rang thanh thản.

Thiền giúp bạn trong lúc quan sát cơ thể, tâm trí, bạn phát hiện ra những suy nghĩ lặp đi lặp lại như một sự ám ảnh, đó sẽ là những suy nghĩ xâm chiếm cuộc đời bạn, thành thói quen, tính cách bạn: nhận rõ chúng sẽ giúp bạn đối diện chúng rốt ráo hơn.

Ví dụ thực tế: hồi đấy trong lúc tôi thiền, tôi thấy toàn mấy cái vớ vẩn trên facebook hiện ra trong tâm trí, từ đó tôi dứt khoát cài phần mềm chặn news feed trên facebook luôn, và không còn dùng facebook nhiều như trước nữa.

27. Những chuyện ta kể ta nghe

Những niềm tin, định kiến sai lầm của ta, những suy nghĩ ta thường lặp lại trong tâm trí ta, sẽ là thứ ảnh hưởng lớn tới chất lượng đời ta, ví dụ như 3 câu mà các bệnh nhân trầm cảm thường tự nói với bản thân là:

  • Tôi là kẻ vô dụng
  • Không ai thương tôi cả
  • Tương lai tôi vô vọng

Việc thay đổi những nếp suy nghĩ đã thành thói quen từ nhỏ, là chuyện khó, cần thời gian để giải thích lại và hóa giải chúng. Một trong những cách hiệu quả để làm được việc này, đó là tìm học tri thức: tri thức để hiểu bản thân, và tri thức để hiểu thế giới. Đây cũng là một phần của liệu pháp nhận thức hành vi. (Cognitive behavioral therapy)

“Trong bóng tối, bạn nhận cái thứ ngoằn ngoèo trước mặt là con rắn, bạn sợ run bần bật, nhưng tự dưng bật đèn sáng lên, bạn thấy thật ra đó là dây thừng.”

Tri thức, giống như ngọn đèn soi sáng những niềm tin sai lầm vậy.

28. Ngồi lại với vấn đề, ta mới có thể quan sát, và hiểu vấn đề

Có phải rất thường xuyên, bạn nghĩ là bạn thích một thứ, nhưng làm thì lại không thích; và ngược lại, bạn nghĩ là bạn không thích, nhưng làm thì lại thấy thích không?

Như vậy, thì bạn có nên tin vào suy nghĩ bạn quá nhiều như trước không?

Đó là lý do bạn nên làm luôn, bởi chỉ khi bạn thử tiếp xúc, ngồi lại với vấn đề, thì bạn mới có thể hiểu vấn đề.

Nhiều người khi đặt ra mục tiêu, tới lúc thực hiện lại gặp khó chịu, sẽ bỏ dở, đi kiếm những sự giải trí, thỏa mãn nhất thời, khiến cho họ mãi không hiểu vấn đề.

Ví dụ thực tiễn: Hồi đó tôi nghiện order đồ ăn vặt qua điện thoại, buồn xíu là order, sau đấy nhờ tâm niệm “chỉ có ngồi lại với đói, mình mới hiểu đói” thì cuối cùng tôi thấy hiểu đói thật! Như là khi đói, cuồng ăn, thì tôi ngồi thiền, quan sát đói, sau 15 phút, tôi hết đói. Một cách khác nữa là tôi kết hợp uống nước no bụng, thì bụng bớt đói rất nhiều. Cuối cùng tôi giảm phát từ 75kg xuống 68kg luôn (nay ổn định loanh quanh 70 kg).

Sau này nữa tôi nhận ra thật ra tôi không đói đồ ăn, mà là đói tâm hồn (công việc thú vị, trò chuyện với bạn bè, ra chơi với thiên nhiên,…).

29. Mentor (người hướng dẫn), gia đình, và những người bạn thật sự

Chúng ta là loài bầy đàn, ta khó mà tự mình nhận ra vấn đề hay tự giúp ta được, vì tâm trí ta bị lấp đầy bởi sự chủ quan của ta, và ta cũng chưa được trang bị công cụ về tư duy (ví dụ tư duy phản biện, tư duy logic,…) để tự mình tìm học. Thêm nữa, đó là ta sẽ nhận được rất nhiều năng lượng, động lực từ người khác; thiếu nguồn động lực đó, thay đổi sẽ rất khó khăn.

Bạn bè, mentor, bố mẹ,… gồm cả người ta ưa, ta ghét, sẽ giúp ta rất nhiều trong việc nhận rõ vấn đề của ta: bởi hầu hết vấn đề hàng ngày của ta đều liên quan tới mối quan hệ giữa ta với người khác.

Việc tự tách biệt và soi xét bản thân trong cô độc, chỉ có thể giúp ta thấy rõ ta hơn một phần, và cũng cần thiết, nhưng hẳn sẽ tốt hơn nếu có kết hợp với việc tiếp xúc xã hội: cái này sẽ tùy vào hoàn cảnh, tâm tính của mỗi người.

Vậy, làm sao để có thể tiếp xúc, kết giao với những người ta thực sự cần? Đó là ta cần thật sự thể hiện bản thân: thay vì cuốn mình vào những cuộc gặp vui chơi giải trí hời hợt, nói xấu người khác, hóng hớt chuyện tầm phào để mong hòa đồng, thì bạn cần nói lên cái bạn thật sự muốn nói. Khi bạn thể hiện thật đúng bản thân, bạn sẽ có nguy cơ bị ghét, bị cô lập, nhưng nó cũng tạo ra cơ hội, để bạn có thể tìm thấy những người bạn thật sự, những người sẵn sàng lắng nghe và cùng bạn giải quyết vấn đề, số này sẽ rất ít, nhưng cũng sẽ rất chất.

Thực tế khi tôi thật sự nói lên suy nghĩ của bản thân với bố mẹ, và học cách lắng nghe bố mẹ, thì mối quan hệ chúng tôi cũng đã cải thiện hơn rất nhiều: tới mức giờ tôi đã lớn rồi, mà mẹ vẫn ôm hôn tôi chùn chụt. haha

Mentor cũng vậy, hồi xưa người ta phải tầm sư học đạo, đi làm phụ việc cho thầy, thì bây giờ, ít nhất bạn cần cất lên tiếng nói, thể hiện bản thân là người muốn học, vì “người thầy chỉ xuất hiện khi người học trò xuất hiện”.

30.

Có những buổi sáng, tôi thức giấc, nghĩ “mình sẽ không làm được”, và sau đấy lại tự bật cười với chính mình vì nhận ra mình đã trải qua biết bao nhiêu lần nghĩ như vậy rồi.

Nếu có thất bại, thì ta hãy thất bại từng ngày một.

Thử lại lần nữa, từng ngày một.

Nếu khó khăn, hãy khó khăn từng ngày một.

Và sẽ có những lúc, ta thấy cái đẹp, thấy tình yêu, thấy thi ca, thấy lòng tràn ngập đất trời bao la: ta và cuộc sống hòa vào nhau như là một.

Và lúc đó hẳn ta sẽ nghĩ, “ôi tất cả chúng thật xứng đáng”.

Sunset over a Danish Fiord - Peder Mønsted (1901)
Sunset over a Danish Fiord – Peder Mønsted (1901)

Tài liệu tham khảo:

  • Philosophical Investigations, Ludwig Wittgenstein
  • Being and Time, Martin Heidegger

Nguồn: https://spiderum.com/bai-dang/Tam-ly-hoc-cua-su-thay-doi-ban-than-s4l

Ảnh: spiderum.com