Diệt tham nhũng

“Anh chỉ có thể thao túng một người nếu không cướp đi tất cả mọi thứ từ người đó. Bởi khi anh tước đoạt tất cả mọi thứ của họ, một lần nữa họ lại được tự do.” – Aleksandr Solzhenitsyn

Câu chuyện về các mối quan hệ trong chính trường nó là chuỗi các mắt xích quyền lợi liên quan nhằng nhịt, vì lợi ích nhóm nên sự tuân thủ và thao túng trở thành quyền lực tuyệt đối. Tuy nhiên khi quyền lợi bị tước đoạt hay trách nhiệm được rũ bỏ theo kiểu hạ cánh an toàn thì cũng thật khó đoán sự thanh trừng lẫn nhau sẽ diễn ra khốc liệt như thế nào.

Nói về tham nhũng, trong một thể chế mà các tài sản lớn thuộc về của công, thuộc về nhà nước, hay nói cách khác là tài sản vô chủ thì những kẻ càng biết cách biến nó thành của riêng lại càng là kẻ tài giỏi. Những người tưởng như liêm khiết thật ra là do tài năng kém cỏi không biết cách biến nó thành tài sản sở hữu riêng của mình mà thôi. Mà đất nước muốn mạnh buộc phải được điều hành bởi những người tài giỏi và có năng lực, đó là điều hiển nhiên.

Diệt tham nhũng không phải là tìm diệt những kẻ đã biến của công thành của riêng, bởi có thực mới vực được đạo, ít có kẻ nào thấy mồi ngon trước mắt trong khi đang đói lại bỏ qua, cho dù đức tính họ tốt nhưng cũng vì lòng tham hay chí ít vì sự tồn tại của họ, cũng sẽ biến họ thành những kẻ tham nhũng không nhiều thì ít.

Để diệt tham nhũng, điều cốt yếu phải làm là không được để tài sản công quá nhiều khiến cho lòng tham có cơ hội trỗi dậy, cần tư hữu hóa và tiến hành kiểm soát thuế, cần có cơ chế lương bổng và quyền lợi rõ ràng cho những người có năng lực nắm quyền, cần có sự ràng buộc về trách nhiệm và quyền lợi, quyền lợi càng cao thì trách nhiệm đi theo cũng phải lớn, trách nhiệm cho những quyết sách cần có chế độ bảo hành dài hạn không chỉ khi đương nhiệm mà phải cả khi về hưu, thậm chí trách nhiệm đến hết đời. Qua đó mới thực sự giảm thiểu và triệt tiêu nạn tham nhũng, chứ không phải là cách tìm diệt người tài trong hoàn cảnh như hiện nay.

Tuan Nguyen – Ngày quốc tế lao động 1/5/2017

:boo: